5 xu hướng ống kính mới
Các mẫu ống kính những năm gần đây có xu hướng zoom dài hơn, gọn nhẹ hơn và đều tích hợp cơ chế ổn định hình ảnh.
Với hơn 80 ống kính ra mắt trong vòng hai năm trở lại đây, có thể thấy một số xu hướng mới đang dần hình thành và tác động đến thiết kế, trong đó, rõ ràng nhất là ống kính đang có tiêu cự ngày một dài hơn, cơ chế chống rung trở nên thông dụng và độ mở ngày một mở rộng.
Trang công nghệ nghiếp ảnh Popphoto đã điểm qua 5 xu hướng chính hình thành từ sản phẩm này mấy năm trở lại đây.
1. Ống zoom ngày một dài hơn
Ống zoom ngày một dài hơn. Ảnh: Popphoto. |
Nếu trước đây ống kính tiêu cự dài cỡ 400 mm được coi là hàng khủng, thì ngày nay mức này đang dần trở thành bình thường. Nikon ra tới hai phiên bản telezoom khủng bao gồm 80–400 mm và 200–400 mm, Canon thì ống 100–400 mm; Tamron và Tokina cũng không thua kém với các ống 200–500 mm và 80–400 mm. Ngay cả Sony không chuyên về ống kính cũng đóng góp phiên bản 70–400 mm cho các dòng DSLR Alpha của mình. Cuối cùng, không thể không kể đến Sigma, hãng chuyên sản xuất ống kính cho các máy DSLR không chỉ của mình mà còn đủ mọi phân khúc cho các hãng khác với 3 phiên bản telezoom khủng. Trong đó, ngoài hai phiên bản hai độ mở 120–400 mm, 150–500 mm, bản 200–500 mm f/2.8 khủng nhất với mức giá lên tới 29.000 USD.
2. Chống rung kiêm Macro
3 ống macro của Sony, Tonika và Pentax. Ảnh: Popphoto. |
Trước tiên phải kể đến Nikon với phiên bản 105mm f/2.8 macro ra mắt vài năm trước đây. Đây là ống kính đầu tiên thuộc thể loại chụp macro tích hợp cơ chế chống rung VR của hãng. Sau Nikon, đến lượt Canon với ống EF 100mm f/2.8 IS, và rồi lại đến Nikon bổ sung thêm các phiên bản khác như AF-S DX Micro-Nikkor 85mm f/3.5G ED VR với tỷ lệ macro 1:1. Pentax cũng được coi như đóng góp vào xu hướng này với ống kính 100mm 1:1 dù không có chống rung, bởi lẽ cơ chế chống rung của hãng nằm ở phần cảm biến.
3. Góc rộng cũng chống rung
Ống kính chụp góc rộng và chống rung của Canon, Sigma, Nikon, Tamron. Ảnh: Popphoto. |
Không chỉ có tele mới cần chống rung, ngày nay cả những ống kính góc rộng cũng được bổ sung cơ chế này. Các ống này thường là ống zoom ở dải khá thông dụng, thường dùng để thay thế ống kit với các tên tuổi như Nikon (16–85mm), Canon (15–85mm), Tamron (17–50mm), và mới đây nhất là Sigma (17–70mm f/2.8–4 DC Macro OS HSM).
4. Ống prime độ mở rộng hơn
Các ống prime tiêu chuẩn (một tiêu cự) cũng đang đón đầu một xu hướng với các thiết kế thấu kính được điều chỉnh sao cho nhanh hơn, nhẹ hơn đồng thời giá thành vẫn giữ ở mức hợp lý chỉ vài trăm USD. Đại diện cho phân khúc này có thể kể tới các phiên bản dành riêng cho thế hệ máy cảm biến APS-C như Nikon (35mm f/1.8), Pentax (35mm f/2.8), Sony (30mm f/2.8 và 35mm f/1.4), Tokina (35mm f/2.8), và Tamron (60mm f/2).
5. Micro Four Thirds gia nhập làng ống kính
Các loại ống kính Micro Four Thirds. Ảnh: Popphoto. |
Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, đại gia đình ống kính đã có thêm sự đóng góp từ các phiên bản chuyên cho định dạng nhỏ gọn Micro Four Third với con số cũng đã lên tới khoảng trên dưới 10 ống từ Olympus và Panasonic.
Đại diện đến từ Olympus gồm các ống 17mm, 14–42mm và thêm hai ống mới công bố là 9–18mm và 14–150mm. Tương tự, Panasonic để hỗ trợ các dòng máy G1 và GH1của mình cũng đã phát triển ống kính riêng như 20mm, 7–14mm, 14–45mm, 14–140mm và 45–200mm. Đó là chưa kể một số hãng chuyên ống kính cũng bắt đầu nghe ngóng thị trường tiềm năng này.
Tương lai
Không chỉ tập trung cho thấu kính để chất lượng hình ảnh đẹp hơn, ống kính ngày nay còn được thiết kế để phù hợp với chế độ quay phim trên máy ảnh số vốn đang dần trở thành tiêu chuẩn. Như vậy, ống kính thế hệ mới đang bước vào một công cuộc thiết kế lại sao cho gọn nhẹ hơn, cơ chế zoom êm hơn, cơ chế lấy nét cũng như chống rung cũng được thiết kế sao cho gần như không tiếng động để khỏi bị ảnh hưởng tới âm thanh khi quay phim.
Độ sắc nét vốn là yếu tố sống còn trong ống kính máy ảnh có vẻ như giờ đây không còn là mối quan tâm tối thượng, mà thay vào đó là các cơ chế về tốc độ, trọng lượng, dải zoom… để phù hợp với chức năng quay phim đang dần lên ngôi ở các máy DSLR.
Cơ chế ổn định hình ảnh cũng không còn chỉ nằm ở ống kính nữa mà đang dần hình thành sự kết hợp giữa cơ chế cảm biến và quang học, sao cho các máy ảnh thế hệ mới có thể bù được từ 4 đến 5 stop, giúp ngay cả những điều kiện ánh sáng khắt khe vẫn có thể cho ra được những bức ảnh sắc nét đủ dùng.
Rõ ràng rằng, công nghệ không chỉ đến từ bản thân máy ảnh, mà ngay cả thấu kính tưởng chừng không còn gì để đổi mới, vẫn đang liên tục chuyển mình để phù hợp với nhiếp ảnh hiện đại hơn.
Nguyễn Hà (Sohoa.net)