Sony Alpha A6000
Với chất lượng hình ảnh vượt trội, khả năng chụp thiếu sáng tốt cùng thiết kế nhỏ gọn quen thuộc, Sony A6000 hoàn toàn xứng đáng là sản phẩm kế thừa hoàn hảo của chiếc NEX-6.
Chiếc A6000 là phiên bản nâng cấp của NEX-6, một mẫu máy ảnh không gương lật (CSC) có tuổi đời lên tới… 4 năm. Trong thế giới công nghệ có vòng đời sản phẩm chỉ từ 1 – 2 năm, tuổi đời 4 năm là minh chứng rõ ràng nhất về tình cảm của người hâm mộ dành cho Sony cũng như chất lượng của chính NEX-6.
Do đó, A6000 sẽ có một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn: vượt qua đàn anh và tìm được chỗ đứng trong làng máy ảnh compact cao cấp đang ngày một cạnh tranh khốc liệt hơn. Thật may mắn, Sony đã tìm ra lời giải hợp lý nhất cho bài toán này: bên trong dáng hình quen thuộc của dòng NEX, chiếc A6000 mang trong mình những công nghệ máy ảnh tuyệt vời nhất của Sony.
Những đánh giá từ trang Trusted Reviews sẽ giúp bạn có những hình dung rõ hơn về chiếc máy ảnh này.
Thiết kế
Tất cả các nút bấm và bánh xe điều khiển trên A6000 đều rất dễ sử dụng. Trong trải nghiệm của Trusted Reviews, các biên tập viên chỉ mất rất ít thời gian để làm quen là đã có thể dễ dàng thay đổi các tùy chỉnh nhanh chóng mà không cần nhờ tới màn hình LCD hay nhìn lên thân máy theo dõi.
Bánh xe điều chỉnh cửa trập và khẩu độ được đặt ở ngoài cùng bên phải thân máy, bên cạnh bánh xe chọn chế độ và phía sau nút cò. Sony đã rất thông minh khi lựa chọn đặt nút quay phim ở bề mặt ngay bên cạnh gờ để ngón cái thông thường. Bằng cách này, người dùng có thể dễ dàng kích hoạt tính năng quay phim nhưng lại rất khó bấm nhầm. Bên trong gờ đặt ngón cái là vị trí đặt pin và thẻ nhớ, do đó đây cũng là phần tập trung phần lớn trọng lượng của A6000.
Hai nút tùy chỉnh C1 và C2 lần lượt được đặt cạnh nút cò và cạnh nút playback. Trong chế độ playback (xem ảnh đã chụp), nút C2 sẽ được sử dụng để xóa ảnh. Bạn có thể lựa chọn nhiều tính năng và menu nhanh cho 2 nút này.
Nút Fn được đặt gần nút điều khiển chính phía sau sẽ mở menu tắt hoặc kết nối A6000 với các thiết bị di động để copy ảnh chụp. Các nút khóa phơi sáng (AE Lock), nút menu chính và nút flash thủ công được đặt xung quanh màn hình LCD 3 inch độ phân giải 921.600 chấm của A6000.
Dù có trọng lượng tập trung về phía bên phải, khi gắn ống kính A6000 sẽ có trọng lượng cân bằng về 2 phía, do đó trải nghiệm cầm máy khá thoải mái và dễ dàng ngay cả khi người dùng chỉ dùng 1 tay. Với ống ngắm điện tử Tru-Finder OLED 0.39 inch, có lẽ người dùng sẽ thích sử dụng A6000 bằng 2 hay để tạo cảm giác "chuyên nghiệp" hơn.
Không chỉ có đèn flash tích hợp dạng pop-up (tự mở) với số guide 6 mét tại ISO 100, A6000 còn có hotshoe đa định dạng.
Tính năng
Hiện tại, thị trường CSC đang chứng kiến một loạt các dòng sản phẩm chất lượng cao nối tiếp nhau ra mắt. Sức cạnh tranh của thị trường máy không gương lật cao cấp thậm chí còn khốc liệt hơn cả DSLR: Olympus có dòng OM-D, Fujifilm có dòng X-Series trong khi Panasonic có dòng GX và GH. Gần như tất cả trong số này đều là những sản phẩm có chất lượng rất tốt, mang trong mình vô số cải tiến để vượt qua giới hạn kích cỡ của dòng máy không gương lật.
Không chỉ sẵn sàng đương đầu với OM-D và X-Series, Sony còn mang lên dòng A6000 thương hiệu Alpha. Đây là lời tuyên chiến chính thức của công ty Nhật Bản tới các nhà sản xuất DSLR đình đám. Bởi vậy mà chiếc A6000 sẽ không gây thất vọng về các tính năng không chỉ đông đảo về số lượng mà còn vượt trội về chất lượng.
Chi tiết cấu hình đáng chú ý nhất trên A6000 là vi xử lý hình ảnh Bionz-X vốn đã từng có mặt trên chiếc Alpha 7R cao cấp. Với sức mạnh xử lý gấp 3 lần vi xử lý Bionz thế hệ cũ, Bionz-X giúp cho A6000 trở thành một "quái vật" về tốc độ. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy điều này khi khởi động A6000: chỉ cần nhấn nút bật máy là bạn có thể chụp ảnh gần như ngay lập tức, ngay cả khi cần chụp ảnh ở chế độ chụp liên tiếp tốc độ cao (burst).
Thời gian lấy nét tự động của A6000 chỉ là 0,06 giây theo tiêu chuẩn CIPA. Do đó, trong các điều kiện chụp "chuẩn", hệ thống AF trên A6000 sẽ vượt qua cả đối thủ cạnh tranh Fujifilm X-T1, vốn đã là một trong những mẫu CSC nhanh nhất trên thị trường hiện nay.
Chế độ chụp liên tiếp (burst) có tốc độ tối đa lên tới 11 khung hình/giây. A6000 có thể chụp tối đa 21 khung hình RAW JPEG hoặc 49 khung hình JPEG đã qua xử lý trước khi đầy bộ nhớ đệm. Do đó, chiếc máy ảnh không gương lật này sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho những người cần chụp tốc độ cao tại các sự kiện thể thao.
Cũng giống như NEX-6, A6000 có 25 điểm lấy nét tự động theo độ tương phản, song số lượng điểm lấy nét theo pha đã được tăng đáng kể: từ 99 lên 179 điểm trên gần như 100% khung hình. Nhờ đó, hệ thống lấy nét "lai" mới của A6000 không chỉ dễ dàng nhận ra cảnh chụp phù hợp mà còn có thể khóa nét một cách cực kỳ chính xác và nhanh nhạy.
A6000 cũng là chiếc máy ảnh E-mount đầu tiên của Sony được trang bị hệ thống lấy nét AF-A. Hệ thống AF-A có thể nhận biết chính xác khi nào cần chuyển chế độ lấy nét: nếu mẫu vật của bạn đang đứng yên, A6000 sẽ sử dụng chế độ AF-S; nếu mẫu vật bắt đầu chuyển động, A6000 sẽ tự động chuyển sang chế độ AF-C.
Ví dụ, nếu bạn đang chuẩn bị chụp chú mèo con của mình đứng yên trên ghế, A6000 sẽ sử dụng chế độ AF-S. Nếu như chú mèo đột nhiên chạy theo ánh nắng trên sàn nhà, A6000 cũng có thể chuyển sang AF-C một cách dễ dàng, bất kể là chuyển động của chú mèo có nhanh và bất ngờ đến mức độ nào.
Chế độ giảm nhiễu nhiều khung hình được đặt trong mục tùy chỉnh ISO trên máy ảnh, thay vì thông qua một ứng dụng tải về như trên NEX-6. Chế độ giảm nhiễu này sẽ tự động kích hoạt khi bạn chụp thiếu sáng và chụp tới 6 khung hình cùng lúc để kết hợp lại và tạo thành một bức ảnh ít nhiễu nhất có thể.
Các tính năng khác như giảm nhiễu xạ, giảm nhiễu sáng trên khu vực cụ thể của khung hình hay tái tạo chi tiết bức ảnh đều có mặt trên A6000. Sony cũng đã nâng cấp ứng dụng PlayMemories (kích hoạt thông qua menu khi đã kết nối Wi-Fi): người dùng có thể tải về nhiều tính năng độc đáo khác từ ứng dụng này.
Ngoài ra, A6000 cũng là một mẫu máy ảnh thân thiện với những người mới tập chụp ảnh. Bài hướng dẫn Shooting Tip truy cập từ menu chính sẽ cung cấp cho người dùng từ những lời khuyên chi tiết nhất cho từng loại cảnh vật (ví dụ, làm thế nào để chụp sao băng).
Nếu bạn thích quay video bằng máy ảnh, chắc chắn bạn sẽ thích khả năng quay video MP4 độ phân giải Full HD 1080p ở tốc độ 60 khung hình/giây và 24 khung hình/giây. Với cổng HDMI Type D, A6000 có thể xuất video chất lượng cao. Tuy vậy, chiếc máy ảnh compact này không có khe cắm tai nghe để theo dõi âm thanh trong đoạn video đang quay. Bù lại, hotshoe của A6000 cho phép bạn cắm microphone để tăng chất lượng tiếng thu lại.
Cuối cùng và quan trọng nhất, cảm biến của A6000 đã được thay đổi đáng kể. Cảm biến Exmor APS-C 24.3 MP của A6000 giờ đã có thiết kế nhận diện theo pha liền mạch theo dõi phần lớn diện tích khung hình. Khả năng thu sáng hiệu quả cho phép A6000 có thể chụp ảnh thiếu sáng và giảm nhiễu một cách dễ dàng từ ISO 100 đến ISO 25.600.
Hiệu năng
Nhìn chung, hiệu năng của A6000 chắc chắn sẽ không làm các fan của Sony phải thất vọng. Hệ thống AF 179 điểm của A6000 là một trong những yếu tố ấn tượng nhất của chiếc máy ảnh không gương lật này. Thời gian phản ứng của A6000 nhanh tới mức bạn sẽ gần như không thể nhận ra thời gian trễ cò. Khi nhấn một nửa nút cò, A6000 lấy nét gần như ngay lập tức kể cả trong những điều kiện ánh sáng môi trường khá thấp.
Nhờ kết hợp sử dụng lấy nét theo pha và lấy nét theo độ tương phản, A6000 có thể tạo ra bản đồ 3D của mẫu vật và đọc khoảng cách của các vật thể trong vùng nét. Tính năng khóa AF trên mẫu vật chuyển động cũng đã được cải thiện. Trong quá trình sử dụng thực tế ở chế độ chụp liên tiếp 11 khung hình/giây, A6000 chuyển điểm lấy nét rất nhanh. Các điểm lấy nét tự động màu đỏ trên màn hình sẽ sáng lên rất nhanh khi mẫu vật chuyển động về gần hoặc xa khung hình.
Thậm chí, A6000 có hiệu năng tốt tới mức bạn sẽ có cảm giác đang sử dụng một chiếc DSLR cao cấp như Nikon D4S hoặc Canon 1D-X, dù với mức giá thấp hơn nhiều lần. Trong một số trường hợp, A6000 vẫn bị out nét, song tỉ lệ này nhỏ tới mức không đáng kể.
Thông số EVF của A6000 có vẻ không ấn tượng bằng NEX-6: Sony đã sử dụng EVF chỉ có độ lớn 0.39 inch độ phân giải 1,44 triệu chấm trên A6000 thay cho EVF 0.5 inch 2,3 triệu chấm như NEX-6. Ngay cả độ phóng đại cũng bị giảm từ 1,09X của NEX-6 xuống còn 1,07X trên A6000 (tương đương 70X tại 35mm). Tuy vậy, trường nhìn của ống ngắm điện tử trên A6000 là 100%. Chất lượng hình ảnh cũng đã trở nên rõ ràng và rực rỡ hơn. Tốc độ làm mới rất nhanh của EVF giúp tạo ra trải nghiệm di chuyển với độ trễ gần như hoàn toàn bằng không.
Ở độ phân giải 921.600 chấm, màn hình TFT LCD của A6000 gần như không thay đổi so với đàn anh NEX-6. Tuy vậy, cả chiếc Fujifilm X-T1 giá đắt hơn A6000 và chiếc OM-D E-M10 giá rẻ hơn của Olympus đều được trang bị màn hình có độ phân giải lên tới 1,04 triệu chấm. Trải nghiệm chụp ảnh cùng màn hình tỉ lệ 16:9 này cũng không thực sự tối ưu: 2 thanh màu đen sẽ che bớt các phần "thừa" của màn hình khi ở chế độ chụp ảnh. Bù lại, tỉ lệ 16:9 sẽ giúp mang lại trải nghiệm quay video tốt hơn màn hình 4:3 thông thường.
Chất lượng hình ảnh
Cảm biến định dạng APS-C độ phân giải 24.3 MP của A6000 mang lại chất lượng ảnh chụp hoàn toàn tương xứng với tên tuổi của Sony. Chế độ đáng chú ý nhất của A6000 là chế độ giảm nhiễu nhiều khung hình MFNR (chụp nhiều bức ảnh và kết hợp lại với nhau để loại bỏ nhiễu). Ở các mức ISO thấp, sử dụng MNFR sẽ không mang lại hiệu quả đặc biệt nào, song ở các mức ISO cao hơn, mức độ giảm nhiễu và tái hiện chi tiết sẽ khiến bạn phải ngỡ ngàng, đặc biệt là ở các mức ISO cao hơn 1600.
Với MNFR, ngay cả ảnh chụp ở ISO 6400 cũng không có nhiễu màu mà mắt thường có thể nhận ra. Khi chụp ở định dạng RAW, bạn có thể cân bằng mức độ giảm nhiễu để loại bỏ các chi tiết nhiễu gây ảnh hưởng tới bức ảnh, đồng thời vẫn giữ được độ sắc nét nhất định cho các đường cạnh và đường vân bề mặt. A6000 cũng có thể loại bỏ nhiễu trên một số khu vực nhất định. Trừ khi bạn lạm dụng tính năng này quá mức, khả năng loại bỏ nhiễu của A6000 sẽ giúp tạo ra những bức ảnh chụp đêm rất ấn tượng.
Từ mức ISO 8000 trở lên, A6000 không còn khả năng tái hiện hình ảnh chính xác nữa. Tuy vậy, bạn vẫn có thể dùng các mức ISO cao cho các bức ảnh chụp không đòi hỏi cao, ví dụ như ảnh chụp cuộc sống hàng ngày.
Vùng tối trong các bức ảnh có độ tương phản cao vẫn giữ lại được nhiều chi tiết, đặc biệt là trong ảnh RAW. Ngay cả các bức ảnh JPEG cũng có các chi tiết vùng tối và vùng sáng ở mức khá tốt. Màu sắc trong ảnh chụp của A6000 khá rực rỡ và sống động; màu sắc vùng tối và vùng sáng rất dễ chịu và không cần xử lý quá nhiều sau khi chụp.
Hệ thống đo sáng 1.200 vùng của A6000 cũng sẽ không khiến bạn phải thất vọng. Nhờ khả năng đo sáng trên một phần diện tích lớn của khung hình, hệ thống đo sáng của A6000 luôn đem lại kết quả rất ổn định. Các bức ảnh luôn giữ lại được mức sáng rất gần với thực tế.
Ví dụ, A6000 có thể dễ dàng vượt qua thử thách chụp mẫu vật trên nền sáng do ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Ở tùy chọn tự động, A6000 có thể tạo ra bức ảnh có tông màu rất dễ chịu và chỉ để mất chi tiết trong phần nền bị out nét.
Hệ thống đo sáng theo điểm và theo trọng tâm của A6000 cho phép người dùng thực hiện bù sáng /-5.0EV ở mức 1/3 step, đồng nghĩa với việc bạn có thể kiểm soát mức bù sáng trên ảnh chụp một cách hoàn hảo. Khả năng cân bằng trắng của A6000 không có gì đáng để chê trách. Bất kể tông màu chủ đạo của khung hình là gì, A6000 có thể đọc và lựa chọn các cài đặt phù hợp nhất cho bức ảnh. Các màu cơ bản trên A6000 khá rực rỡ và đủ bão hòa để tăng sức sống cho cảnh vật trong khi vẫn đảm bảo được độ chính xác cho bức ảnh.
A6000 cung cấp 11 cài đặt cân bằng trắng có sẵn, 1 tùy chọn tùy chỉnh và 12 chế độ sáng tạo khác. Người dùng có thể tùy chọn độ tương phản, độ bão hòa và độ sắc nét của màu sắc theo ý mình.
Kết luận
Điểm yếu lớn nhất của A6000 là sự thiếu hụt của các tính năng độc đáo có thể giúp cho chiếc máy ảnh không gương lật này trở nên nổi bật trước đám đông. Bù lại, sản phẩm đàn em của NEX-6 có đầy đủ những tính năng mà người dùng chắc chắn sẽ cần tới.
Có thể nhận thấy rằng Sony muốn nhắm vào những người dùng đang cân nhắc nâng cấp lên DSLR cấp thấp/tầm trung, hoặc những người dùng cần mua máy ảnh phụ có kích cỡ vừa phải và chất lượng ảnh chụp ấn tượng. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của A6000 sẽ là Olympus OM-D E-M10 và Nikon D5300.
|
|